Chút gợi nhớ về bữa cơm truyền thống

0
1003

Văn hóa ứng xử trong bữa cơm của người Việt hết sức tinh tế và khéo léo. Từ khi là một đứa trẻ, họ đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy những quy tắc ứng xử trong bữa ăn. Ngày nay dù xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi, cuộc sống trở nên thoải mái hơn nhưng những quy tắc trong mâm cơm của người Việt vẫn được nâng niu, gìn giữ.

Bữa cơm chính là linh hồn của hạnh phúc, của sự yêu thương và cũng chính là nơi nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Hình ảnh người phụ nữ tất bật trong khói bếp nghi ngút chuẩn bị những món ăn thơm ngon luôn khắc sâu vào ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta. Dù đó chỉ là những món ăn dân dã hàng ngày, người ta vẫn không thể nào quên hình ảnh ấy, vì nó chứa đựng tấm lòng của người nấu, của người phụ nữ mà chúng ta yêu thương.

Cơm tẻ là mẹ ruột

Người Việt gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước nên cơm là nguyên liệu chính trong mỗi bữa ăn. Họ dùng từ “ cơm” để gọi tên các bữa ăn như “mâm cơm”, “bữa cơm”, “thổi cơm”. Bên cạnh cơm, bữa ăn của người Việt còn có thêm các món khác như rau, canh và món mặn như thịt, cá, tôm…

Mâm cơm hình tròn

Mâm cơm của người Việt có hình tròn thể hiện tính cộng đồng và tượng trưng cho sự sum vầy, đầy đặn và hạnh phúc viên mãn. Trong bữa ăn, các thành viên ngồi quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện để làm không khí bữa ăn thêm vui vẻ, đầm ấm.

Văn hóa dùng đũa

Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho bằng nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa và sử dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Đũa thường được làm từ tre.

Trẻ con được dạy rằng, trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không được để đũa bị so le hay xô lệch. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn, không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn, không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm, không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm. Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác.

Chuyện mời cơm

Tục mời cơm của người Bắc là cả một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Khi mời cơm phải mời từ người lớn tuổi nhất như ông bà rồi mới tới cha mẹ và anh chị. Lời mời phải nhẹ nhàng, lễ phép thể hiện sự kính trọng bề trên. Trong suốt bữa ăn, những người nhỏ tuổi gắp thức ăn mời người lớn tuổi, bậc trưởng bối, gia chủ rót rượt và gắp thức ăn để tiếp đãi khách đến chơi nhà.

Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên đồng thời thể hiện văn hóa ứng xử khéo léo trong ăn uống. Những nguyên tắc ngầm này không được ghi chép thành sổ sách hay trở thành bài giảng nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học bởi đó là nét đẹp, là truyền thống của dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.